Nghề làm giấy dó ở làng Đống Cao (Bắc Ninh) có tuổi đời khoảng 800 năm. Làng nghề truyền thống xưa ở Việt Nam, nghề làm giấy dó đang dần mai một, bị chìm vào quên lãng. Nhắc đến giấy dó giờ đây chỉ là những hoài niệm, dấu vết xưa cũ, nếu còn cũng gắn với một vài gia đình làm cầm hơi vì… nhớ nghề.
Làng nghề có tuổi đời 8 thế kỷ
Ở Việt Nam, nghề làm giấy Dó có từ thế kỷ III, phát triển mạnh vào thế kỷ VIII và XIV. Giấy Dó là một loại giấy được sản xuất thủ công từ vỏ những cây Dó (như Dó giấy, Dó liệt…), và được dùng cho vẽ tranh trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, đặc biệt là để làm giấy điệp cho tranh Đông Hồ, hay lưu giữ các tài liệu, nhờ vào nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là độ bền theo thời gian. Trong thời kỳ phong kiến, giấy Dó cũng là nguyên liệu làm giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ là loại giấy đẹp nhất… Theo thời gian và sự phát triển của các loại giấy công nghiệp, giấy Dó không còn được nhiều người ưa chuộng nữa nên nghề làm giấy Dó cũng theo đó lụi tàn.
Người làng Đống Cao seo giấy dó. (Ảnh: Sưu tầm)
Giấy dó Đống Cao được chế tạo khác nhau tùy theo mục đích sử dụng như làm tranh Đông Hồ, viết thư pháp, dập văn bia, bảo quản lưu trữ tài liệu, ngòi thuốc pháo… Nếu được bảo quản tốt, giấy dó Đống Cao có thể lưu giữ được trong thời gian dài hàng trăm năm. Nghề làm giấy dó rất công phu, với nhiều công đoạn làm thủ công, đòi hỏi người làm nghề phải bỏ ra nhiều công sức. Theo đó, nguyên liệu được chọn mua từ vỏ cây dó, cây dướng ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Vỏ cây dó qua kỹ thuật của người Việt có thể dùng làm ra giấy có độ bền lên đến 500-600 năm. (Ảnh: Sưu tầm)
Vỏ cây được tách bỏ phần đen bên ngoài, chỉ lấy phần trắng bên trong, rồi cho vào nấu với nước vôi trong suốt ba ngày ba đêm cho mềm. Sau đó, vỏ cây được nhặt bỏ chất bẩn, cho vào giã cho nhuyễn (bây giờ dùng máy xay), rồi đưa vào bể ngâm tiếp khoảng 3 ngày cho mềm nhũn, dùng chất nhựa từ cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Trong bể nước có bột cây dó, cây dướng đã được ngâm, đôi tay người thợ làm giấy dó nhúng chiếc seo (khuôn làm giấy) chao đi chao lại cho lớp bột dính đều, công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo để tạo ra những tờ giấy dó có độ dày hoặc mỏng như ý muốn.
Giữ gìn nghề làm giấy Dó
Nếu như trước kia, cả làng nhộn nhịp tiếng chày tiếng cối giã giấy, những khoảng sân rộng ngợp màu vàng của giấy dó giờ đây chỉ là những hoài niệm. Bên cạnh đó, làng tranh Đông Hồ đã hết thời hưng thịnh, cũng là nguyên nhân dẫn tới việc sản xuất giấy dó ít hơn. Vì vậy, ngày nay chỉ còn vài gia đình cố gắng gìn giữ nghề. Trong gia đình, chỉ còn ông Nguyễn Văn Biểu, bà Ngô Thị Thu mặn mà với nghề, mấy người con đi học rồi tìm kiếm công việc khác dễ kiếm tiền hơn, không ai theo nghề gia truyền cả. Tuy vậy, chất lượng giấy dó Phong Khê vẫn giữ được những tính chất cơ bản: dai, mềm, hút ẩm nên bảo quản tốt hàng hóa. “Do thu nhập không cao và vất vả nên nghề làm giấy dó không còn sức hút với người trong làng. Người làm giấy dó phải là những người yêu nghề và kiên trì”, bà Thu bày tỏ.
Tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn làm giấy dó (Ảnh nguồn Internet)
Những người dân thôn Dương Ổ còn làm nghề giấy dó như ông Biểu hầu hết đều cho rằng nghề giấy dó khó có đầu ra, mức thu nhập cũng không cao nhưng thực trên thực tế, thị trường tiêu thụ giấy dó không phải là không có. Giống như loại giấy washi truyền thống của Nhật Bản, những tờ giấy dó Việt Nam mộc mạc, mỏng manh nhưng mang hồn dân tộc, chứa đựng những giá trị lịch sử từ ngàn xưa. Mặt khác, tính dai, độ bền, hút ẩm tốt của giấy dó tạo cho loại giấy này sự độc đáo, khác biệt. Giấy dó vấp phải bài toán thị trường là do chưa được quảng bá rộng rãi đến công chúng, đặc biệt là những người trẻ, từ đó khơi dậy nguồn cảm hứng cho họ, góp phần đưa loại giấy truyền thống của Việt Nam trở lại với đời sống.
Một số sản phẩm làm từ giấy dó hiện này. (Ảnh: Sưu tầm)
Hiện nay, tổ chức bảo tồn và duy trì nghề làm giấy dó lớn nhất phải kể đến là “Zó Project” (6/2013) được thành lập bởi chị Trần Hồng Nhung (Hà Nội). Với mong muốn khôi phục nghề làm giấy dó, mở rộng thị trường trong nước cũng như quốc tế, chị đã tìm về các làng nghề giấy dó, trong đó có làng Dương Ổ (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh), thuyết phục các nghệ nhân phục hồi giấy dó. Tính đến nay, dự án “Zó Project” đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo làm từ giấy dó (đèn lồng, sổ, bưu thiếp, thư pháp,…) thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia trong đó có nhiều bạn trẻ đến từ các nước Úc, Pháp, Nga,… Đây là tín hiệu tốt với những người luôn đau đáu với nghề làm giấy dó.