Lễ hội tưởng nhớ đức Thủy Tổ – Kinh Dương Vương

Ngày 25-2 (tức 16 tháng Giêng), tại khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, Thuận Thành, Bắc Ninh) đã diễn ra Lễ dâng hương khai hội Kinh Dương Vương. 

Theo sử sách ghi lại, Kinh Dương Vương tên chữ là Lộc Tục, là con trai của vua Đế Minh, cháu bốn đời của vua Thần Nông. Sau khi băng hà, Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, danh xưng Kinh Dương Vương, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, đóng đô ở Hồng Lĩnh (nay là Ngàn Hống, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), sau đó dời đô ra Ao Việt (Việt Trì). Kinh Dương Vương làm vua và cai trị đất nước từ khoảng năm 2879 TCN.

Lễ hội Kinh Dương Vương năm 2024 diễn ra trong 3 ngày từ 25-27/2 (tức từ ngày 16-18 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với các hoạt động phần lễ gồm các nghi thức tế lễ truyền thống tại Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương. Phần hội bao gồm các hoạt động biểu diễn văn hoá như: hát Quan họ, sân khấu hát Tuồng, biểu diễn Múa rối nước, hát Trống quân, hát Chèo, Ca trù, các trò chơi dân gian.

Dòng người đến dâng hương tại di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương. (Ảnh: Hoàng Mai)
Nghi thức rước kiệu vua Thủy tổ Kinh Dương Vương, cha Lạc Long Quân và quốc mẫu Âu Cơ từ đền thờ ra khu lăng mộ. (Ảnh: Hoàng Mai)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn thắp hương tại lễ hội Lăng Kinh Dương Vương. (Ảnh: Hoàng Mai)

Lễ hội được tổ chức nhằm giới thiệu, tuyên truyền giáo dục lớp lớp các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội của dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa để lại, gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn. Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Lễ hội Kinh Dương Vương tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và tuyên truyền giáo dục các thế hệ giữ gìn đạo lý uống nước nhớ nguồn. (Ảnh: Hoàng Mai)

Hiện nay, Lễ hội Kinh Dương Vương là giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc, luôn được lãnh đạo và người dân tỉnh Bắc Ninh đặc biệt gìn giữ và phát huy. Ngày 2/2/1993, Di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương cũng đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Theo truyền thuyết lịch sử và các tài liệu, thư tịch cổ, vào năm 2.879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta.

Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng. Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương thờ Thủy tổ dân tộc Việt Nam được xây dựng từ lâu đời trên bãi đất cao bên bờ Nam sông Đuống, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) được trùng tu và đặt văn bia.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *