Lễ hội chùa Dâu – ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

Chùa Dâu thuộc địa phận xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây là một trong những ngôi chùa được đánh giá là cổ nhất của Việt Nam. Hội chùa Dâu thường tổ chức vào ngày mồng 8 tháng tư, theo ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. 

Hội Dâu là lễ hội của người dân làm nông nghiêp, ý nghĩa quan trọng nhất của lễ hội Chùa Dâu là dịp để người dân dâng lễ lên các đức thánh thần và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, là ước vọng ngàn đời của những người làm nông nghiệp.Chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân, hay Cổ Châu, nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Đây được coi là ngôi chùa hình thành sớm nhất ở Việt Nam khi Phật Giáo mới du nhập, lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ như thành cổ Luy Lâu, lăng mộ Sĩ Nhiếp, hệ thống chùa chiền, đền đài, dinh thự, bảo tháp…

Lễ hội chùa Dâu được tổ chức rất long trọng và quy mô vào ngày 8 – 9/4 Âm lịch với quy mô rộng lớn của ba xã thuộc vùng Dâu – Luy Lâu (Thuận Thành) là: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn với 5 ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Tổ thờ bà Man Nương – mẹ của Tứ Pháp, lấy chùa Dâu làm trung tâm.

Lễ hội chùa Dâu – Ảnh: sưu tầm

Các nghi thức trong lễ hội Chùa Dâu đều là những hoạt động diễn xướng mang tín ngưỡng cầu Thần Nước của những người nông dân. Ban ngày dân làng sẽ rước Tứ Pháp về chùa Dâu “công đồng” là nơi hội tụ các yếu tố của trời như Mây+Chớp+Sấm=Mưa. Ban đêm sẽ tiến hành lễ rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây được coi là mô tả một chu kỳ của quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng và bốn mùa. “Múa gậy” không chỉ để dẹp đám mà còn là để tái diễn lại sự tích cây gậy thần kỳ. Giếng cổ trong chùa Dâu là di tích của truyền thuyết Man Nương cắm gậy xuống đất tạo ra nguồn nước cứu sống sinh linh.

Đây là lễ hội được coi là cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Sử sách cho biết các vua chúa thường về đây dự lễ hội, lễ Phật, cầu đảo, thậm chí tượng Pháp Vân nhiều lần được rước về kinh đô Thăng Long để cầu đảo. Lễ hội được tổ chức với những nghi lễ trang nghiêm, trọng thể theo đúng phong tục truyền thống kỷ niệm ngày Phật mẫu Man Nương hạ sinh nữ nhi.

Lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Bởi nó không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động và tiêu biểu mà còn với ý nghĩa quan trọng là cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa – một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.

Một số hình ảnh về chùa Dâu – Ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. (Ảnh: Bích Lộc)

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *