Chùa Lim di tích lịch sử văn hóa Quốc gia

Nằm ở phía Bắc núi Lim, chùa Hồng Ân (chùa Lim), nay thuộc thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Là một ngôi chùa cổ, trải qua thời gian, đến nay chùa vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc độc đáo, phong cảnh đẹp, là địa điểm hấp dẫn mỗi khi du khách thập phương về với vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Chùa Hồng Ân được xây dựng vào thế kỷ XV. Với nhiều hạng mục công trình có kiến trúc độc đáo, tượng Phật, bia đá, đồ thờ tự được bài trí gọn gàng, trang nghiêm. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Từ năm 1997 trở lại đây, chùa được phục dựng lại các hạng mục: cổng, tam quan, tam bảo, lầu lục giác, nhà khách… Chùa Hồng Ân là nơi thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu. Phối thờ tướng công Nguyễn Đình Diễn, người làng Đình Cả và Bồ Đề Ni (tục gọi là Mụ Ả) – là những người có công tu bổ, tôn tạo di tích cuối thế kỷ XVIII.

Qua đó cho biết chùa được xây cất khá quy mô với nhiều hạng mục công trình và tượng Phật. Tiếp đến thế kỷ XVIII chùa Hồng Ân liên tục được trùng tu mở rộng. Điều này đã được ghi nhận trong tài liệu văn bia ở lăng Đỗ Nguyễn Thụy đặt tại quê ông là thôn Đình Cả, cho hay vào đầu thế kỷ XVIII quận công Đỗ Nguyễn Thụy đã cung tiến nhiều tiền của ruộng đồng để mở mang tập tục, hội hè và chùa chiền cho cả tổng Nội Duệ, trong đó có chùa Hồng Ân. Tiếp theo là công lao tu bổ, sửa chữa ngôi chùa Hồng Ân của tướng công Nguyễn Đình Diễn, được khắc trên bia “Hồng Vân từ ký” dựng ở lăng Nguyễn Đình Diễn đặt trên núi Hồng Vân vào năm Cảnh Hưng thứ 30 (1769) cho biết: Ông là người nhân từ, giàu lòng quảng ái và sùng Phật, ông đã cúng 100 quan và 3 mẫu cho chùa Hồng Ân để dùng vào việc làm phúc và sửa chữa chùa. Chính vì vậy, ông đã được toàn bản tổng suy bảo làm hậu Phật và đúc tượng đồng thờ ở chùa Hồng Ân.

Tam quan chùa Hồng Ân. (Ảnh: Bích Lộc)

Những người có công lớn đối với chùa Hồng Ân là Bồ Đề Ni tục gọi Mụ Ả. Bà họ Nguyễn, người Nội Duệ Nam xuất gia thụ giới ở chùa Hồng Ân và cũng là người đã bỏ tiền ra cho tu sửa và mở rộng chùa Hồng Ân rồi giao cho các xã trong tổng Nội Duệ số ruộng hương hỏa. Năm 80 tuổi, Bồ Đề Ni dựng dàn hỏa thiêu. Người Nội Duệ vùng Lim đã dựng tháp và tạc tượng bà là “Thánh tiên liệt nữ”. Hiện nay tượng Bồ Đề Ni, tháp và bia đá vẫn còn ở chùa Hồng Ân.Núi Lim còn là nơi qua lại, hoạt động bí mật của các lãnh tụ tiền bối cách mạng Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự.

Hiện nay, di tích gồm các hạng mục:  Tam quan, gác Chuông, Tháp chuông, Tam bảo, nhà Tổ và nhà Mẫu. Toà Tam bảo mặt bằng hình chữ Đinh gồm 3 gian 2 dĩ, Tiền đường nối với 3 gian Thượng điện. Bên trái chùa chính là 9 gian hành lang, kết cấu vì kèo kiểu kèo kìm quá giang gác tường đơn giản. Các công trình Tháp Mụ Ả, nhà Điện, nhà Mẫu, nhà thờ Đức Thánh Trần, nhà Tổ đều là những tòa nhà có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Cổng Tam quan mới được nhân dân xây dựng lại năm 2012 với 2 tháp chuông ở hai bên, kết cấu theo kiểu chồng diêm, đỉnh tháp tạo hình bông sen giữa có đặt bình nước cam lộ.

Chùa hiện còn lưu giữ được hệ thống tượng thờ, sắc phong cùng nhiều hiện vật cổ có giá trị…(Ảnh: Bích Lộc) 

Chùa là nơi tín ngưỡng thờ Phật của tổng Nội Duệ xưa và nhân dân vùng quan họ. Đồng thời chùa còn là nơi thờ các danh thần như: đức Thánh Trần, Phạm Ngũ Lão và sau này Nguyễn Đình Diễn, Đỗ Nguyễn Thụy, Bồ Đề Ni (Mụ Ả) cùng các danh nhân của quê hương Nội Duệ – cầu Lim. Núi Lim và chùa Hồng Ân là điểm hội tụ ca hát quan họ, trung tâm lễ hội truyền thống vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm của quê hương quan họ – một thể loại dân ca quen thuộc được quí khách trong và ngoài nước mến mộ, yêu thích. Núi Lim sản phẩm của tạo hóa đã giành cho vùng quê quan họ trở thành nơi thắng địa giữa những làng quan họ trù mật, phố chợ đông vui, trở thành nơi kết tinh và hội tụ những giá trị lịch sử văn hóa của  quê hương quan họ Kinh Bắc  – Bắc Ninh.

Núi Lim còn là địa điểm cách mạng của đảng ta trong những năm hoạt động bí mật. Nơi đây là địa điểm thành lập Đảng bộ Bắc Ninh – Bắc Giang thời điểm ngày 4/8/1929. Chùa Hồng Ân là công trình kiến trúc cổ khá quy mô, hiện còn lưu giữ được nhiều những cổ vật vô cùng quý là những hiện vật bảo tàng có giá trị nghiên cứu khoa học. Từ xưa, núi Hồng Vân đã là nơi đất đẹp được người xưa ghi nhận đánh giá “Hồng Vân là quả núi tương đối phẳng, không cao nơi có nhiều đất đẹp, cảnh vật thành kỳ. Ngước nhìn lên giữa bầu trời lơ lửng một đóa mây hồng. Người đời lấy đó đặt tên cho núi với ý rằng đây là nơi “địa linh nhân kiệt”, nảy sinh những danh hiền vang tiếng thế gian, mọi người ngưỡng vọng”, rồi khắc vào bia đá đặt trên núi Hồng Vân vào cuối thế kỷ XVIII.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *