“Bảo tàng Bắc Ninh là cái có vai trò nhiệm vụ sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và trưng bày giới thiệu các tài liệu, hiện vật về di sản văn hóa của vùng đất văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc”. Đây là câu nhận định của ông Vũ Thế Truyền – phó Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh về vai trò của bảo tàng Bắc Ninh với tỉnh.
Ông có thể chia sẻ về vai trò và mục tiêu của Bảo tàng Bắc Ninh trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương không?
Bảo tàng Bắc Ninh – là một thiết chế văn hóa cấp tỉnh quan trọng; có vai trò nhiệm vụ sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và trưng bày giới thiệu các tài liệu, hiện vật về di sản văn hóa của vùng đất văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc, góp phần phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu; tuyên truyền quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh đến công chúng, du khách tham quan trong và ngoài nước.
Nhìn từ góc độ văn hóa, Bảo tàng được coi là gốc rễ vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Vì thế, Bảo tàng tỉnh luôn khẳng định được vị thế và vai trò của mình để thúc đẩy và góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh.
Đây còn là không gian văn hóa đa sắc thái, được tái hiện lại một cách chân thực và sinh động. Từ đó, mỗi chúng ta có cái nhìn toàn diện để ứng xử một cách phù hợp, đúng mực, tạo đà cho việc hoạch định chiến lược xây dựng kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bảo tàng Bắc Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều phương diện, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bảo tàng Bắc Ninh đã mang đến cho khách tham quan cái nhìn, sự tiếp cận đa diện đối với các thời kỳ lịch sử một cách khách quan nhất, cân bằng nhất. Và không chỉ có vai trò mang những giá trị thông tin, tri thức đến cho công chúng, thông qua đó còn giúp các nhà nghiên cứu có sự hiểu biết sâu sắc cơ bản về đặc trưng văn hóa của tỉnh, là cầu nối giúp cho việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành trong cả nước.
Bảo tàng Bắc Ninh hiện đang lưu giữ những hiện vật, tài liệu nào quan trọng và độc đáo nhất về văn hóa Bắc Ninh?
Ngay từ khi thành lập, công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật ở Bảo tàng Bắc Ninh được chú trọng nên tổng số tài liệu, hiện vật trong kho Bảo tàng hiện lên tới gần 20 nghìn (bao gồm cả hiện vật thu được từ các cuộc khai quật Khảo cổ học) với đủ loại hình, niên đại, chất liệu như đá, đồng, gốm, sứ, sắt… trong đó có nhiều cổ vật quý hiếm, độc đáo, tiêu biểu như tấm bia “Xá lợi tháp minh” niên đại năm 601 được Thủ tướng chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia đợt II ngày 30 tháng 12 năm 2013.
Bộ ván khắc mộc bản sách “Hải thượng Y tông tâm lĩnh” của danh y Lê Hữu Trác do Hòa thượng Thích Thanh Cao san khắc lại vào cuối thế kỷ XIX được Thủ tướng chính phủ ra quyết định công nhận là công nhận Bảo vật quốc gia đợt X ngày 25 tháng 12 năm 2021. Các hiện vật được phân loại theo niên đại (tiền sơ sử, Bắc thuộc, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, thời kỳ kháng chiến…) và bảo quản trong kho theo chất liệu (gốm, gỗ, kim loại…). Bên cạnh việc sưu tầm những cổ vật quý hiếm, Bảo tàng tỉnh còn đặc biệt chú trọng công tác sưu tầm các loại tài liệu (gồm bản gốc, bản photo, bản scan sách, báo, tạp chí, phim ảnh…) phản ánh về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Bắc Ninh từ xưa tới nay cùng nhiều tài liệu, phim ảnh gốc về quá trình hoạt động của các vị lãnh tụ cách mạng tiền bối là người Bắc Ninh như đồng chí cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Lê Quang Đạo trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm giải phóng đất nước khỏi chế độ thực dân phong kiến. Tại Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ nhiều tài liệu phản ánh về truyền thống hiếu học khoa bảng (gia phả chữ Hán của các dòng họ có người đỗ đại khoa, sắc phong, lệnh chỉ…), tín ngưỡng thờ thành hoàng (bản kê khai thần tích – thần sắc các làng xã năm 1938 cùng nhiều bản thần tích, sắc phong, văn tế…), cùng các tài liệu phản ánh về văn hóa, phong tục tập quán của người dân Kinh Bắc – Bắc Ninh từ xưa tới nay (gồm các bản hương ước, quy ước…).
Tại vùng đất Bắc Ninh hiện đang sở hữu rất nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia (cột đá chạm rồng chùa Dạm, tượng nghìn mắt nghìn tay, rồng đá xà thần,..). Có thể giải thích tại sao Vùng đất Kinh Bắc lại là nơi có nhiều những hiện vật quý báu như vậy (giải thích về khía cạnh địa lý, văn hóa tại Bắc Ninh)
Tại vùng đất Bắc Ninh hiện đang sở hữu rất nhiều hiện vật, bảo vật quốc gia (tượng adida chùa Phật Tích, cột đá chạm rồng chùa Dạm, tượng nghìn mắt nghìn tay, rồng đá xà thần…) bởi lý do sau:
Bắc Ninh – Kinh Bắc nằm ở trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nơi có thế đất, núi sông hùng vĩ linh thiêng, hội tụ tinh hoa của đất trời, cho nên từ xa xưa nơi đây đã là địa bàn dân cư sinh cơ lập nghiệp và sản sinh ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước.
Bắc Ninh có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời gắn liền với nền Văn minh sông Hồng (văn minh lúa nước). Vùng đất Luy Lâu (Long Biên) từng là trung tâm kinh tế – chính trị, tôn giáo cổ xưa nhất của Việt Nam. Bắc Ninh sớm tiếp nhận văn hoá Phật giáo, Nho giáo và sự xuất hiện của những trung tâm Phật giáo – Nho giáo lớn qua nhiều thế kỷ. Đó là trung tâm Luy Lâu – Dâu; Trung tâm Phật Tích; Trung tâm dạy chữ Hán – Nho giáo “Nam Giao học tổ” có niên đại từ thế kỷ I (trước Công nguyên) đến thế kỷ II (sau Công nguyên)… Chính từ những trung tâm này, nhiều tăng sĩ đã đắc đạo và có nhiều đóng góp lớn vào nền văn hoá dân tộc. Sự xuất hiện của những trung tâm Phật giáo, Nho giáo lớn còn là điều kiện cho nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc phát triển, đạt được những thành tựu có ý nghĩa thời đại và đã để lại những dấu ấn của các niên đại khác nhau, đó là: Tượng Phật A di đà chùa Phật Tích, cột đá chùa Dạm; tượng Quan âm thiên thủ, thiên nhãn – Phật bà nghìn mắt, nghìn tay và tháp đá Bảo Nghiêm chùa Bút Tháp; hệ thống tượng tứ Pháp vùng Dâu – Luy Lâu; Ba pho tượng đá tam thế…
Bắc Ninh còn là vùng đất có truyền thống hiếu học, khoa bảng nổi tiếng đứng hàng đầu cả nước dưới các triều đại phong kiến. Bắc Ninh là tỉnh giàu có về di sản văn hóa với số lượng di tích nhiều nhất cả nước. Tính đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có tổng số 1.589 di tích gồm nhiều thể loại như: đình, chùa, đền, miếu, nghè, lăng mộ…. Trong đó có 628 di tích được Nhà nước xếp hạng gồm: 4 di tích quốc gia đặc biệt (Chùa Bút Tháp xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Chùa Dâu xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn), 203 di tích quốc gia và 421 di tích cấp tỉnh; có 14 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Các di tích dày đặc, phân bổ rộng khắp 8 huyện, thị xã, thành phố. Điều đặc biệt đáng chú ý Bắc Ninh được mệnh danh là “vương quốc” của các ngôi chùa cổ, có nhiều ngôi chùa lớn từng được thư tịch cổ ca ngợi là “Danh lam cổ tự” trong lịch sử, tiêu biểu nhất là một số đại danh lam như chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Tiêu…
Theo ông, những thách thức lớn nhất mà Bảo tàng Bắc Ninh đang đối mặt trong việc bảo tồn và trưng bày di sản văn hóa là gì?
Bảo tàng Bắc Ninh sau hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành đã có một cơ sở vật chất tương đối khang trang, được thiết kế và xây dựng phục vụ cho thiết chế văn hóa Bảo tàng. Nội dung trưng bày các chuyên đề không ngừng được đổi mới, tư liệu hiện vật ngày càng được bổ sung phong phú, phản ánh sinh động về lịch sử, văn hóa của tỉnh Bắc Ninh. Các khâu nghiệp vụ Bảo tàng như nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, kiểm kê, bảo quản, hướng dẫn khách tham quan ngày càng đi vào chiều sâu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo tồn, bảo tàng. Trình độ của đội ngũ cán bộ, viên chức từng bước được nâng lên. Ngay từ khi thành lập, Bảo tàng Bắc Ninh luôn quan tâm đầu tư công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật, chú trọng xây dựng, hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật có giá trị, mang tính lịch sử – văn hóa đặc trưng của vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc. Tuy nhiên công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật vẫn còn một số khó khăn như kinh phí dành cho sưu tầm và trao đổi hiện vật còn hạn hẹp, thủ tục hành chính rườm rà; sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sưu tầm đồ cổ trong và ngoài nước với bảo tàng để sở hữu hiện vật; lực lượng cán bộ trực tiếp làm công tác sưu tầm không có nhiều cơ hội tập huấn nâng cao khả năng nghiệp vụ; nguồn tài liệu, hiện vật gốc phản ánh lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Bắc Ninh cùng những nhân chứng lịch sử liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng qua thời gian khai thác cũng gần như cạn kiệt…
Tuy nhiên hiện nay tại Bảo tàng Bắc Ninh chưa có trưng bày cố định. Việc ứng dụng công nghệ số trong trưng bày chuyên đề ở Bảo tàng còn chưa được thực hiện. Công tác trưng bày của Bảo tàng Bắc Ninh hiện nay đang được thực hiện dưới 2 hình thức: trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng và trưng bày lưu động tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đây là những thách thức lớn nhất mà Bảo tàng Bắc Ninh đang đối mặt trong việc bảo tồn và trưng bày di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh.
Ban lãnh đạo của Bảo tàng đã có những hoạt động gì để lưu giữ những di tích, hiện vật quý báu của tỉnh. Cũng như là những hoạt động tuyên truyền, kết nối để người dân hiểu hơn về những giá trị văn hóa tại Tỉnh?
Nhằm lưu giữ những di tích, hiện vật quý báu của tỉnh cũng như những hoạt động tuyên truyền, kết nối để người dân hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của Bắc Ninh tại Bảo tàng. Trong những năm qua, tập thể ban lãnh đạo Bảo tàng đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần vào việc bảo tồn, phát huy và giới thiệu di sản văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của nhân dân, tiêu biểu như:
Hàng năm, Bảo tàng tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt sưu tầm, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nhà sưu tập cổ vật tại địa phương, lão thành cách mạng trong các giai đoạn lịch sử có thể cung cấp và lưu giữ những tài liệu, hiện vật có giá trị bảo tàng… các cán bộ nghiệp vụ thường xuyên tra cứu, khai thác tư liệu tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, phương tiện thông tin đại chúng, chủ động tìm kiếm các nguồn lưu trữ hiện vật liên quan được lưu giữ trong nhân dân. Việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu – sưu tầm hiện vật ở Bảo tàng Bắc Ninh góp phần quan trọng phát huy giá trị các di sản lịch sử văn hóa quê hương đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Trong những năm qua, Bảo tàng Bắc Ninh đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức trưng bày chuyên đề để đưa di sản đến gần hơn với công chúng, ngoài trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng, công tác trưng bày lưu động của Bảo tàng Bắc Ninh đã được thực hiện tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh, bước đầu đạt được những kết quả khả quan, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của đông đảo công chúng chưa có điều kiện đến tham quan Bảo tàng. Trưng bày lưu động của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh có vai trò quan trọng, góp phần giúp cho Bảo tàng thực hiện tốt công tác giáo dục tuyên truyền, phổ biến những tri thức khoa học lịch sử văn hóa đến với công chúng, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo tồn các di sản văn hóa.
Tích cực đổi mới, áp dụng công nghệ thông tin trong trong công tác quản lý và trong các hoạt động của Bảo tàng phù hợp với xu hướng thời đại.
Thực hiện: Bích Lộc