Đỉnh ngọn Thiên Thai (chừng 150m) nhô cao trên dãy núi chín khúc, nằm rải như một con rồng uốn lượn bồng bềnh trên sóng của những dòng sông, bao quanh xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh.
Đỉnh ngọn Thiên Thai (chừng 150m) nhô cao trên dãy núi chín khúc, nằm rải như một con rồng uốn lượn bồng bềnh trên sóng của những dòng sông, bao quanh xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Một vẻ đẹp bí ẩn còn đâu đó, hiện lên từ ngàn năm đã trôi qua, với những chòm hoa đào đuôi cáo, bên thềm lạnh của một ngôi chùa vàng trên đỉnh núi. Bồng lai tiên cảnh là đây, lung linh trong cánh chim phượng lượn bay, như mơ vậy…:“Chàng buông vạt áo em ra”
Xưa dân làng còn gọi tên núi là Đông Cứu, nôm na như cánh đồng làng bên sông Thiên Đức (sông Đuống), nghèo khó bao đời nay. Nhưng trong nhiều dịp các thiền sư đi truyền đạo đã phát hiện ra những ngọn núi đậm sắc hoang dã và mộng mơ với đàn chim phượng bay về làm tổ. Ngay từ năm 1055, vua Lý Thánh Tông đã cho xây chùa Tĩnh Lự trên núi Đông Cứu, với quy mô rất lớn. Hàng năm, vua cùng các hoàng thân trong triều về đây hành lễ. Gần chùa còn có những nhà nghỉ của những vua quan và vợ con nên được gọi là “Hành cung”, với thiết kế rộng lớn. Những kiến trúc mang những nét đẹp cổ kính đậm chất vương triều đã làm nên vầng hào quang cho ngọn núi soi gương bên sông Thiên Đức. Nhiều vị cao tăng đã đến đây tu hành và truyền dạy Phật pháp. Từ đó ngọn núi được gọi tên Thiên Thai. Trải qua các triều đại chùa Tĩnh Lự đều được trùng tu và nâng cấp ngày một linh thiêng, to lớn hơn và tạo dấu ấn sâu sắc trong hệ thống Phật giáo lâu đời nhất. Chính vì thế, vào năm 1648, chùa Tĩnh Lự được xếp hạng là một trong ba đại danh thắng ở vùng Đông Bắc, cùng với chùa Yên Tử và chùa Phả Lại…
Kèm theo những mùa hành lễ của triều đình là các tổ chức hội lễ dân gian, hoạt động tưng bừng từ trước đó. Những làn quan họ như Lý Thiên Thai, cùng với ca dao ra đời rất sớm. Đời sống văn hóa tâm linh hiện hữu như một nhu cầu gắn bó với người dân lao động. Ắt hẳn câu ca dao: “Trèo lên trái núi Thiên Thai. Gặp hai con phượng ăn xoài trên cây. Đôi ta được gặp nhau đây. Khác gì chim phượng gặp cây ngô đồng” được khắc ghi trong tâm trí người dân kinh Bắc từ lâu đời. Kèm theo đó, bài Lý Thiên Thai cũng được bắt nguồn từ đây. Cho dù lời hát còn bay bổng hơn nhưng vẫn bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu trên núi. Rằng: “Trèo lên trái núi Thiên Thai. Thấy chim loan phượng ăn xoài biển Đông. Anh hai buông áo em ra. Để em đi chợ kẻo đà chợ trưa. Chợ trưa rau sẽ héo đi. Lấy chi nuôi mẹ, lấy gì nuôi em”. Nhiều đời đã hát. Nhiều canh quan họ đã ca. Nhiều anh hai chị hai bị bỏ bùa vì câu hát ấy. Chuyện tình quê vào trẩy hội trên núi Thiên Thai làm xao động lòng người. Giai điệu rộn ràng, duyên dáng lại thêm phần e lệ tạo nên vẻ đẹp muôn đời trên vùng sông nước, núi non Bắc Ninh.
Cùng với ca dao và dân ca sớm gắn bó với lễ hội hàng năm là những áng thơ và ca khúc của các thi nhân và nhạc sĩ đã từng lên núi Thiên Thai. Nhà thơ kiêm bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã ghi nhận vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của núi Thiên Thai với những ví von thú vị qua bài Vịnh núi Thiên Thai. Đặc biệt khi ông tả: “Một ngọn núi cao vút các núi khác đều vươn theo. Dòng sông nước chảy lượn quanh như chiếc đai vàng”. Trong kho tàng thơ của thi hào Nguyễn Du (1766-1820) cũng có bài Vọng Thiên Thai tự. Đây cũng là nỗi niềm nhớ tới quê mẹ ông ở Bắc Ninh, với tâm trạng khắc khoải: “Thiên Thai chùa dựng phía thành Đông. Khó đến vì chưng cách bức sông…”. Sau này nhiều nhà thơ nổi tiếng hay các nhạc sĩ cũng đã có những tác phẩm gắn bó với hình ảnh bồng lai tiên cảnh nơi đây.
Nếu thi sĩ Hoàng Cầm nhắc đến hình ảnh: “Mấy trăm năm ước hẹn tình duyên. Tiếng trống làng giục giã. Trên núi Thiên Thai… Gửi về may áo cho ai, Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu…” (Bên kia sông Đuống – 1948); thì nhạc sĩ Huy Du, trước khi mất (2007) ông đã kịp hoàn thành ca khúc cuối cùng của mình mang tên: Một thuở Thiên Thai. Giai điệu trữ tình và đằm thắm đậm nét duyên quan họ với những lời ca da diết: “Loan phượng bay rồi bao giờ trở lại. Gió se buồn man mác mây trôi”. Nhưng phải nói ca khúc Mẹ tôi của Trần Tiến được coi là tác phẩm mới nhất gắn bó với hình ảnh núi Thiên Thai, với những câu hát nặng trĩu nỗi niềm: “Trời gió mây ngàn một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi. Trèo lên dãy núi Thiên Thai ối a mẹ tôi về đâu?” (ca sĩ Tùng Dương hát – 2014; ca sĩ Đồng Lan hát 2017). Cùng với đó mới đây, nữ sĩ Nguyễn Thị Mai (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết thơ tặng con gái khi về làm dâu đất quan họ, với những câu thơ đầy thương nhớ: “Con về Kinh Bắc quê hương. Theo người ngoan đất văn chương hiền tài. Mẹ ngồi tạ núi Thiên Thai. Nối duyên loan phượng lâu dài tình con”…
Tổng hợp