Nằm nép mình bên tả ngạn sông Cầu, làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) xưa nức tiếng về một làng nghề tơ tằm. Tuy nhiên, cùng với dòng chảy của thời gian, làng nghề đang đối mặt với nguy cơ mai một, nếu không có giải pháp tích cực, tơ tằm Vọng Nguyệt chỉ còn trong ký ức người dân.
Người Vọng Nguyệt vẫn kể cho nhau nghe lịch sử về làng, rằng ngày xưa mảnh đất này có tên là Ngột Nhì. Có người đàn ông họ Chu đến khẩn hoang lập làng, gây dựng cơ nghiệp đầu tiên nên người dân coi đây là Tổ làng. Sau khi người họ Chu này qua đời, được an táng ở đồng Đống Tranh, nhìn xuống ao hình bán nguyệt từ đó dân làng đặt tên là Vọng Nguyệt. Vọng Nguyệt nghĩa là trông trăng, là đẹp mơ mộng và thanh bình. Đến nay người dân vẫn giữ tên Vọng Nguyệt để luôn nhớ về quá khứ và nhớ đến công lao của Tổ làng.
Vọng Nguyệt từng vang danh khắp vùng với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Xuôi đồng bằng châu thổ hay ngược về xứ Tây Bắc xa xôi, đâu đâu cũng biết đến Vọng Nguyệt với câu ca:
“Dù ai buôn Sở bán Tần
Không bằng Vọng Nguyệt chuyên cần ươm tơ”
Nghề nông tang Vọng Nguyệt đã có khoảng 1000 năm nay. Không ai nhớ tổ nghề của làng là ai, chỉ có câu chuyện lưu truyền trong dân gian được các cụ vẫn truyền đời kể cho cháu con nghe rằng mảnh đất này xưa tương truyền rằng được triều đình giao cho nhiệm vụ ươm tơ để dệt vải cho nhà vua và hậu cung. Khi ấy các dòng họ lớn: Nguyễn Hữu, Chu, Ngô Quý, Ngô Xuân… đã cùng nhau sống chan hoà, trai thì cầy cuốc làm ruộng, gái đảm đang trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải.
Người nơi khác thường nói rằng Vọng Nguyệt được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vị trí đẹp, với những cánh đồng đỏ phù sa cho nương dâu bốn mùa tươi tốt. Còn người Vọng Nguyệt như có duyên với nghề nông tang, khi nuôi tằm thì cho nhiều kén, mỗi nong kén lại kéo được rất nhiều tơ. Cùng với sự cần mẫn, khéo léo và yêu nghề người Vọng Nguyệt đã không phụ lòng triều đình khi tạo ra những sợi tơ tằm óng ả, suôn mềm, bền, dai và chắc chắn dệt nên những tấm hoàng bào, quốc phục và gấm vóc, lụa là sang trọng quyền quý được chốn cung đình ưa chuộng. Thời kỳ hoàng kim với nghề này đã mang đến sự phồn thịnh cho người dân trong một thời gian dài.
Trong làng còn khoảng 10 hộ cắt kén để bán nhộng thành phẩm, được biết người dân sẽ nhận được 12.000 đồng/kg tiền công cắt nhộng và giá nhộng sống thành phẩm được thương lái thu mua với giá khoảng 250.000-300.000 đồng/kg, nhộng đã luộc chín có giá khoảng 90.000 đồng/kg. Với số lượng hộ gia đình duy trì nghề làm tơ ít ỏi như hiện này, công cuộc gìn giữ và phát triển làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt đang dần rơi vào thế bí. Những nỗ lực níu kéo nghề truyền thống mong manh như những sợi tơ trên guồng, có thể đứt gánh bất cứ khi nào.
Tổng hợp