Đồng Kỵ vốn được gọi là làng Cời, nghề mộc là nghề truyền thống của người dân nơi đây. Trước năm 1975, dân làng Cời chủ yếu là đi đóng thuê giường, tủ, bàn, ghế…cho các vùng.
Tuy nhiên, sau năm 1975, khi 2 miền Nam Bắc thống nhất, tiếp cận với thị trường miền Nam, người dân làng Cời nhận thấy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại miền Nam rất lớn, sẵn có tay nghề trong tay, rất nhiều người dân Đồng Kỵ đã trở về quê hương, dùng đôi tay khéo léo của mình để tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ gỗ cao cấp tinh tế và cung cấp đến khắp các tỉnh trong nước đặc biệt là miền Nam.
Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ tại Đồng Kỵ được làm từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ có tâm với nghề. Những người thợ đi trước truyền lại kinh nghiệm cho lớp thế hệ đi sau lưu giữ những tinh hoa của nghề truyền thống. Hiện nay, làng nghề cung cấp gần như đầy đủ các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp cho sinh hoạt, công việc trang trí nội thất hay thờ cúng cho thị trường trong nước và ngoài nước. Sản phẩm chủ yếu được làm bằng gỗ gụ, gỗ hương, gỗ trắc, gỗ mun,gỗ cẩm lai, gỗ Nu, gỗ Sưa, như: bàn thờ, giường ngủ, bàn ghế gỗ, tủ rượu, tủ quần áo,…
Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được làm hết sức khéo léo, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu, làm đồ ngang đến khâu chạm khắc và hoàn thiện. Người thợ với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ chạm khắc những nét hoa văn độc đáo hay hình những con rồng, con phượng…, tạo thành những sản phẩm gỗ mỹ nghệ có đường nét tinh xảo. Để làm được một sản phẩm tốt thì các nghệ nhân rất chú ý đến việc lựa chọn chất liệu. Những loại gỗ được sử dụng trong đồ gỗ nội thất Đồng Kỵ thường là những loại gỗ quý như gỗ trắc, gỗ cẩm lai, gỗ hương… Nhờ vào độ bền của những loại gỗ này, người nghệ nhân dễ dàng chế tác hơn, những loại gỗ này còn có thể mang mùi gỗ đặc trưng mà rất nhiều người yêu thích.
Những người thợ trong làng, lớp thế hệ trước truyền lại kinh nghiệm cho lớp thế hệ đi sau lưu giữ những tinh hoa của nghề truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề là đứa con tinh thần, là niềm đam mê của người thợ nên được chăm chút tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết trang trí, chạm khắc.
Với lợi thế đó nên các sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề Đồng Kỵ được xuất sang nước ngoài với số lượng ngày càng gia tăng, nhất là ở các thị trường lớn như thị trường Âu, Mỹ. Nghề gỗ mỹ nghệ đã mang lại cho người dân làng nghề Đồng Kỵ một cuộc sống ổn định, giàu có hơn. Vì thế, việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống là rất quan trọng. Để thích ứng với cơ chế thị trường hiện nay, người thợ mộc Đồng Kỵ đã từng bước hiện đại hóa trang thiết bị nhằm giảm lao động cơ bắp, rút ngắn quy trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm thủ công chất lượng, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của toàn khu vực, của từng nước trên thế giới.
Ngày nay, hoạt động giao thương ở Đồng Kỵ là điểm đến hấp dẫn của quý khách trong và ngoài nước bởi đây là một điển hình thành công của sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và tiên tiến trong sự phát triển của một làng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc trong công cuộc đổi mới đất nước.