Theo sử sách, chùa Phật Tích là nơi đầu tiên đạo Phật xuất hiện ở Việt Nam. Từ thế kỷ đầu sau công nguyên, tại nơi chùa ngày nay diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ, sau đó hình thành trung tâm Phật giáo Dâu – Luy Lâu.
Chùa Phật Tích không chỉ là trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta thời Lý, Trần mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hóa, nơi du nhập các luồng tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng ở các vùng, các nước trong khu vực hòa nhập với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa bản địa, làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ.
Theo nhiều điển tích kể lại, Chùa Phật Tích được xây dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057) dưới thời vua Lý Thái Tông. Ban đầu, ngôi chùa cổ này có tên gọi là Thiên Phúc Tự và được xây thêm ngọn tháp cao để đặt tượng Phật Bà hơn 1.87m vào năm 1066. Đến thời vua Lý Thần Tông, ông đã cho xây 84.000 ngôi bảo tháp bằng đất nung. Tất cả được đặt ở nhiều nơi trên đất nước ta. Cũng từ đó, Thiên Phúc Tự đổi tên thành Quốc Tự.
Mãi đến thời vua Trần Nhân Tông, chùa mới được gọi với cái tên Vạn Phúc Tự và xây dựng thêm điện Bảo Hòa bên trong khuôn viên. Chính nhờ cảnh quan được gìn giữ qua bao năm mà ngôi cổ tự này được người đời ca ngợi, khắc lên từng câu từ miêu tả về vẻ đẹp nơi đây trên bia “Vạn Phúc Đại Thiên Từ Bi” niên hiệu Chính Hòa thứ 7 vào năm 1686.
Thế nhưng, từ năm 1949 đến năm 1952, ngôi chùa linh thiêng này phải hứng chịu sự tàn phá của chiến tranh và dường như bị phá hủy hoàn toàn. Mãi đến năm 1959, Chùa Phật Tích mới được trùng tu lại và được gìn giữ tới hiện nay. Dù trải qua biết bao thăng trầm, chịu sự hủy hoại nặng nề của chiến tranh nhưng Chùa Phật Tích vẫn kiên cường, tự hào trở thành Di tích Lịch sử – Văn hóa vào năm 1962.
Tương truyền, chùa Phật Tích xưa rộng rãi khang trang, có đến 300 nhà, chỉ riêng công việc dọn dẹp đã cần đến 70 người. Đặc biệt, ngọn tháp ở chùa cao vời vợi, hòa lẫn trong mây đến nỗi ở tận kinh thành Thăng Long vẫn còn nhìn rõ. Sử cũ chép năm 1129 dưới triều vua Lý Thần Tông đã khánh thành 84.000 bảo tháp đất nung. Số tháp khổng lồ được mang đặt ở nhiều nơi trong nước nhưng theo sử liệu, riêng ở Phật Tích đặt đến 80.000 tháp.
Hiện nay trong vườn chùa nằm chen vào đá có ẩn hiện nhấp nhô 35 ngọn tháp lớn nhỏ, cái được dựng bằng đá, cái được xây bằng gạch. Mỗi tháp giữ xá lị của những hòa thượng đã đắc đạo. Khi đến thăm Phật Tích, ấn tượng của du khách là sự yên tĩnh và linh thiêng. Có một giếng nước cổ nằm bên phải cổng chùa. Dưới đáy giếng vẫn còn có một cổ vật là đầu rồng bằng đá. Bước lên cổng chùa là hai hàng thú cổ đối xứng nhau.
Những truyền thuyết li kỳ
Từ vị trí địa lí đẹp đẽ, chùa Phật Tích trở thành một nơi thu hút các dòng chảy văn hóa, thu nhận các truyện cổ dân gian mang những luồng tư tưởng khác nhau của Phật giáo, Đạo giáo. Các câu chuyện cổ tích và huyền thoại đã góp phần làm cho chùa trở nên gần gũi hơn với văn hóa người Việt.
Trên đỉnh núi Phật Tích hiện còn một khối đá vuông, mặt phẳng nhẵn nhuội, người ta bảo với nhau là bàn cờ tiên. Tương truyền, một hôm chàng tiều phu Vương Chất lên núi đốn củi. Đến đỉnh núi chàng thấy hai cô gái đang đánh cờ dưới gốc thông già, liền đứng xem. Vương Chất say xưa theo dõi đến nỗi sau khi cuộc cờ tan, hai cô gái bảo chàng: “Kìa, rìu mục mất rồi”. Vương Chất ngoảnh lại thì thấy chiếc rìu đã mục thật, vừa hay hai cô gái đã bay về trời. Vương Chất gánh củi về nhà thời gian đã trôi qua bảy đời, chẳng còn ai quen biết nữa.
Chùa Phật Tích còn gắn với chuyện Từ Thức gặp tiên Giáng Hương. Xưa kia, trên núi Phật Tích mọc bạt ngàn hoa mẫu đơn. Một ngày đầu xuân có thiếu nữ Giáng Hương đến chùa ngắm hoa. Nàng vô ý đã vịn gãy một cành mẫu đơn nên bị các chú tiểu phạt vạ. Vừa lúc đó Từ Thức đi qua trông thấy bèn cởi áo ngoài chuộc cho nàng. Sau, hai người thường gặp nhau ở chùa vào ngày mùng một. Một lần, Giáng Hương mời Từ Thức về nhà chơi.
Nàng dẫn chàng đi qua khu rừng có nhiều hoa mẫu đơn dẫn đến hang đá bên sườn núi. Bước qua cửa hang, Từ Thức nhìn thấy lầu son, gác tía, tường gấm, bậc đá xanh… Lúc này Giáng Hương mới nói mình là tiên và hai người kết thành chồng vợ. Dựa vào câu chuyện Từ Thức gặp tiên, cứ vào ngày 4 tháng Giêng hàng năm, dân làng lại tổ chức lễ hội, tục gọi “hội Khán hoa mẫu đơn”. Lễ hội khai mạc ngày mùng 3 Tết nhưng năm nào cũng vậy, du khách thập phương đã tấp nập đến dâng hương từ ngày mùng 1.
Ảnh: Bích Lộc