Đền đô – Nơi ghi dấu lịch sử 8 vị vua đời nhà Lý

Bắc Ninh có hơn 1.200 di tích lịch sử, theo cổng thông tin điện tử tỉnh này. Trong đó, đền Đô ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn là nơi ghi dấu 214 năm trị vì của 8 vị vua nhà Lý.

Nhà Lý truyền ngôi 9 đời vua qua 216 năm (1009 – 1225). Đền Đô là nơi thờ tự 8 vị vua gồm: Lý Thái Tổ (1009 – 1028); Lý Thái Tông (1028 – 1054); Lý Thánh Tông (1054 – 1072); Lý Nhân Tông (1072 – 1128); Lý Thần Tông (1128 – 1138); Lý Anh Tông (1138 – 1175); Lý Cao Tông (1175 – 1210); Lý Huệ Tông (1210 – 1224). Vị vua cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225) được người dân thờ ở đền Rồng, cũng nằm ở phường Đình Bảng.

Theo nội dung trên bia trùng tu đền Đô, Đình Bảng, quê hương phát tích nhà Lý, ban đầu có tên là Diên Uẩn. Từ giữa thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ XIII đổi là hương Cổ Pháp thuộc châu Cổ Pháp, sau đó mới được đặt là Đình Bảng. “Đất Cổ Pháp – Đình Bảng là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, đất gối đầu của 8 con rồng, vượng khí tốt, là nơi sinh ra vua Lý Công Uẩn ngày 12/2 năm Giáp Tuất (947)” (trích nội dung trên bia đá). Lý Công Uẩn, niên hiệu Lý Thái Tổ, là vị vua đầu tiên của nhà Lý.

Năm 1019, khi Lý Thái Tổ lên ngôi được 10 năm, ông về quê lập một thái miếu để thờ tổ nội mình ở đây. Lúc đó, vua đã chọn một khu đất để làm nơi chôn cất sau khi băng hà, cách cửa đền Đô hiện tại khoảng một km, đặt tên là Cấm Địa Sơn Lăng. Năm 1028 Lý Thái Tổ băng hà, được an táng tại quê nhà theo di nguyện. Sau này, các vị vua nhà Lý đều được đưa về chôn cất tại đây.

Năm 1030, vua Lý Thái Tông cho xây dựng đền Đô làm nơi thờ vua cha. Từ đó, đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý, theo nội dung cuốn “Di tích lịch sử văn hóa đền Đô” do tác giả Nguyễn Đức Thìn biên soạn. Năm 1605, vua Lê Kính Tông cho mở rộng và đổi tên thành đền Lý Bát Đế. Năm 1952, đền bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1989, chính quyền đã phục dựng đền theo nguyên mẫu và gọi là đền Đô. Đền Đô được công nhận di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Đền Đô có diện tích 31.250 m2 với 21 hạng mục công trình, chia thành hai khu vực ngoại thành và nội thành. Ngoại thành gồm: hồ bán nguyệt, nhà thủy đình, nhà văn chỉ và nhà võ chỉ.

Theo hướng lối vào đền, công trình đầu tiên nằm phía bên trái lối vào là nhà văn chỉ (ảnh). Nhà văn chỉ nằm bên trái khu nội thành, xây dựng theo kiến trúc ba gian chồng diêm, thờ Tô Hiến Thành (thời vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông) và Lý Đạo Thành (thời vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông) cùng một số quan văn đã có công lớn giúp nhà Lý. Nhà văn chỉ được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại vào năm 2003 để tưởng nhớ công ơn của các vị quan văn thời Lý.

Đi qua nhà văn chỉ, trước khi đến cổng chính khu nội thành, du khách sẽ thấy “Thiên đô chiếu”. Đây là bức cuốn thư cao 3,5 m, rộng hơn 8 m, được làm bằng gốm Bát Tràng, chép lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ. Cuốn thư gồm 214 chữ Hán nổi màu xanh trên nền trắng, tương ứng với 214 năm trị vì của 8 vị vua (chưa tính tựa đề Chiếu dời đô và tên tác giả Lý Công Uẩn), được hoàn thành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây được coi là bức cuốn thư bằng gốm Bát Tràng lớn nhất Việt Nam.

Nội thất đền Đô gồm: nhà phương đình (ảnh), nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, linh cung xếp theo thứ tự từ cổng ngũ long môn hướng vào. Ông Chiến nói nhà phương đình là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tưởng niệm 8 vị vua vào ngày 13/9/1945. Qua nhà phương đình là nhà tiền tế, nơi tế lễ các vị vua vào những ngày giỗ hoặc dịp lễ hội. Phía bên phải nhà tiền tế trưng bày bài thơ Nam quốc sơn hà, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta do tướng quân Lý Thường Kiệt viết. Bên trái trưng bày bản Chiếu dời đô thu nhỏ. Qua nhà tiền tế là nhà chuyển bồng, nơi đặt ban Công Đồng (tương tự như ban Tam Bảo ở chùa). Đây là nơi người dân, du khách đến dâng hương, lễ bái.

Hằng năm, vào những ngày 14,15 và 16/3 âm lịch (kỷ niệm ngày Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang), người dân trên khắp cả nước lại về Đình Bảng tham gia lễ hội đền Đô để dâng hương, tưởng nhớ công ơn của các vị vua nhà Lý.

 

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *