Những khuôn hình mộc mạc tại làng gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đã tồn tại ngót nghét 700 năm với những sản phẩm gốm vô cùng tinh xảo nổi tiếng khắp đất nước, trở thành một trong những làng nghề cổ xưa nhất Việt Nam.

Nét xưa trong từng sản phẩm

Trong dòng chảy hiện đại, ngôi làng có nghề gốm gần 800 tuổi này không những phát triển hưng thịnh, mà còn giữ trọn hồn riêng của xứ sở Kinh Bắc xưa kia. Làng Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang chở khách qua lại. Địa danh Phù Lãng có từ cuối thời Trần, đầu thời Lê. Vào thời kỳ này, Phù Lãng có 3 thôn: Trung thôn, Thượng thôn, Hạ thôn và được biết đến với nghề gốm truyền thống. Làng gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển vào khoảng thời Trần, đầu thế kỷ XIV. Hiện nay, bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng từ thế kỷ XVII đến XIX. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ khác nhau như men da lươn, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu…

Gốm vàng da lươn. Ảnh: Báo Công Thương.

Gốm vàng da lươn. (Ảnh: Báo Công Thương)

Làng gốm Phù Lãng chia thành 3 loại: gốm tín ngưỡng (lư hương, đài thờ, đỉnh…); gốm dụng cụ gia đình (lọ, bình, ang, chum, vại, bình vôi, ống điếu…); gốm trang trí (bình, ấm hình thú như ngựa, voi…). Ông Nguyễn Văn Hưng, một người con của làng Phù Lãng cho hay nét đặc trưng của gốm Phù Lãng chính là nước men mang sắc nâu, vàng nâu, vàng nhạt mà theo nhận xét của những người sành trong nghề đó là men da lươn. Kết hợp với đó là phương pháp đắp nổi theo kiểu chạm kẹp. Điều này giúp cho các sản phẩm gốm Phù Lãng bền, đẹp và vẫn giữ được nét nguyên sơ của đất và lửa.

Xoay gốm. Ảnh: dangcongsan.vn

Người dân đang thực hiện động tác xoay gốm. (Ảnh: dangcongsan.vn.)

Mỗi năm, làng nghề sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ trên 1 triệu sản phẩm gốm các loại, đem lại doanh thu gần 100 tỷ đồng với thu nhập bình quân đạt 7-9 triệu đồng/người/tháng. Những sản phẩm gốm của làng Phù Lãng không chỉ đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương mà còn góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc.

Đổi mới để phát triển 

Theo dòng chảy của thời gian, thế hệ trẻ của làng gốm Phù Lãng hôm nay vẫn tiếp bước cha ông và không ngừng sáng tạo. Mạch sống làng gốm Phù Lãng giờ đây lại đang phát triển theo hướng mới, được du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm tham quan du lịch làng nghề đặc sắc. Nhiều cơ sở sản xuất gốm kịp thời nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, chủ động liên kết với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về địa phương tham quan, trải nghiệm làm gốm cùng nghệ nhân…

Tạo hình cho sản phẩm bình gốm. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân.

Chia sẻ trên VietnamPlus, ông Nguyễn Bá Quân Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Quế Võ cho biết tỉnh Bắc Ninh cũng đang chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch đối với làng gốm Phù Lãng. Tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 15 tỷ đồng.

Hiện nay, đã hoàn thiện khâu khảo sát quy hoạch thiết kế điểm du lịch làng nghề, thành lập hợp tác xã để chuẩn bị cho triển khai dự án.”Trên cơ sở dự án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch của tỉnh Bắc Ninh, địa phương sẽ tập trung phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để triển khai dự án, gắn với các mục tiêu của đề án bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Phù lãng. Chúng tôi tin tưởng rằng sẽ thực hiện thành công việc bảo tồn và phát triển nghề gốm Phù lãng; xây dựng làng gốm trở thành địa danh du lịch làng nghề; du lịch trải nghiệm gắn với các sản phẩm OCOP theo đúng mục tiêu của tỉnh và thị xã đề ra” – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Quế Võ khẳng định. Năm 2023, thị xã Quế Võ cũng đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế JICA Nhật Bản thực hiện dự án “Phát triển nghề gốm tại xã Phù Lãng thị xã Quế Võ tỉnh Bắc Ninh.”

 

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *