Từ sáng sớm, các liền chị chít khăn mỏ quạ, khuôn mặt rạng rỡ, e ấp sau vành nón quai thao, duyên dáng trong bộ áo tứ thân, cùng các liền anh khăn xếp áo the, hát những làn điệu quan họ đón chào du khách thập phương.
Hội Diềm bắt đầu với nghi thức mở cửa đền Vua Bà (bà tổ của dân ca quan họ). Dân làng tổ chức lấy nước ở giếng Ngọc trong đền làm lễ rước nước quanh làng, đi qua đình làng, đền Cùng rồi lại quay về đền Vua Bà. Trong hành trình rước lễ, người dân và du khách đều được hoà mình vào một không gian đậm chất quan họ.
Từ khắp các ngõ nhỏ, ở đâu cũng vang lên những giai điệu đằm thắm, mượt mà của những bài quan họ cổ.
Mỗi năm, làng Diềm có 4 lễ hội lớn vào các tháng Giêng, Hai, Ba, Tám và lễ hội nào cũng có sự tham gia của Quan họ và đều ca theo lối truyền thống. Bởi làng Diềm vừa duy trì được các mối quan hệ, giao lưu vốn có, vừa mở rộng giao lưu với Quan họ các làng lân cận nên giữ gìn được lối sinh hoạt truyền thống này.
Có thể nói, làn điệu Quan họ là “nam châm” thu hút khách thập phương của Hội Diềm. Ca hát Quan họ là hoạt động không thể thiếu xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội. Chẳng thế mà Hội Diềm tuy chỉ mang tính chất lễ hội của một làng nhưng lại trở thành điểm hẹn văn hoá của hàng nghìn du khách thập phương.
Chị Mai Hà Lan du khách từ Nam Định cho biết “Tôi có thể thức thâu đêm để được nghe các liền anh, liền chị hát canh. Thật khó để lý giải vì sao mình lại yêu thích lối hát truyền thống này đến thế, dường như có một sự giao hoà đặc biệt giữa tâm hồn những người hát để rồi lưu lại sau mỗi lần gặp mặt là nỗi vấn vương thật khó tả…”
Tổng hợp