Dân ca quan họ Bắc Ninh với những giai điệu sâu lắng trữ tình, ca từ dạt dào đã trở thành biểu tượng của vùng đất Kinh Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam. Dân ca quan họ chính là vẻ đẹp hiện hữu, được kết tinh từ những nét đẹp ngàn đời của quê hương Kinh Bắc.
Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam và được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Muốn hát quan họ phải có “bọn”: “bọn nam” hoặc “bọn nữ”. Vì vậy trong một làng quan họ thường có nhiều “bọn nam” và “bọn nữ”. Mỗi “bọn” thường có 4, 5, 6 người và được đặt tên theo thứ tự: chị Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu hoặc anh Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu. Nếu số người đông tới 7, 8 người thì đặt tên là chị Ba, chị Tư (bé) hoặc anh Ba, anh Tư (bé)… mà không đặt chị Bảy, Tám hay anh Bảy, Tám. Trong các sinh hoạt quan họ, các thành viên của “bọn” quan họ không gọi nhau bằng tên thật mà gọi theo tên đặt trong “bọn”.
Hát quan họ là hình thức hát đối đáp giữa “bọn nam” và “bọn nữ”. Một “bọn nữ” của làng này hát với một “bọn nam” của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. “Bọn hát” phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng của hai người hát cặp với nhau phải tương hợp thành một giọng để tạo ra một âm thanh thống nhất. Dân ca quan họ có 213 giọng khác nhau, với hơn 400 bài ca. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là thể thơ và ca dao của Việt Nam, phần lớn là thể lục bát, lục bát biến thể, bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp với từ ngữ giàu tính ẩn dụ, trong sáng, mẫu mực. Đây là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca là thể hiện tình yêu lứa đôi. Lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm nài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi,ư hư, a ha…
Trang phục của người quan họ mang vẻ đẹp nền nã, trang trọng. Nữ thì áo mớ ba mớ bảy, đầu chít khăn mỏ quạ, tay cầm nón quai thao. Nam thì áo the khăn xếp và tay cầm ô lục soạn. Đây là nét văn hóa đặc trưng thể hiện quan điểm thẩm mỹ của người quan họ: coi trọng tình người, đề cao nhân nghĩa.
Ảnh: Internet
Như chúng ta đã biết, quan họ Bắc Ninh được Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể long trọng công bố là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009. Tuy nhiên, hiện nay dưới tác động của xu thế hội nhập và toàn cầu hóa cùng với sự du nhập của nhiều nền văn hóa, sự quan tâm của giới trẻ đối với quan họ ngày một ít đi. Chính vì thế, dân ca quan họ Bắc Ninh cần được bảo tồn và phát triển. Trao đổi về vấn đề này, NSƯT Phạm Đăng Mùi – Phó giám đốc nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh chia sẻ: “ Quan họ không cần thiết phải bảo tồn khẩn cấp như các loại hình dân ca khác vì người Kinh Bắc say mê hát quan họ như được sinh tồn. Từ đứa trẻ 3-4 tuổi đến các cụ già trên trăm tuổi vẫn yêu hát quan họ.”
Làng Đặng Xá, xã Vạn An, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được coi là làng quan họ gốc, có lịch sử khoảng 400 năm về loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, ngôi làng này vẫn luôn chú trọng truyền dạy dân ca quan họ cho thế hệ trẻ. Bà Nguyễn Thị Quýnh (70 tuổi) – người đã có công phục dựng, lưu giữ và bảo tồn văn hóa quan họ Bắc Ninh làng Đặng Xá trong suốt 24 năm tâm sự: “Dân ca quan họ Bắc Ninh là nền văn hóa mang đậm đà hương vị hồn quê, là viên ngọc sáng và là nền văn hóa đẳng cấp. Chính vì tình yêu tha thiết đối với quan họ nên tôi cùng chồng đã mời thầy, xin tài trợ, thậm chí là bỏ lương ra để có thể mở lớp truyền đạt cho các thế hệ, lưu giữ, bảo tồn dân ca từ năm 1992 đến nay. Quá trình này rất khó khăn, cho đến bây giờ làng đang xây dựng nhà chứa quan họ để tiếp tục truyền dạy và bảo tồn quan họ cho các thế hệ mai sau.”
Với chính sách bảo tồn cùng với tình yêu đối với giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, hy vọng rằng, dân ca quan họ sẽ luôn giữ gìn được vẻ đẹp truyền thống vốn có, được giới thiệu tới bạn bè năm châu, xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và tôn vinh.
Trần Tuyết