Người nghệ nhân nặng tình với phỗng đất làng Hồ

Hơn 60 năm gắn bó với nghề làm phỗng đất, ông Phùng Đình Giáp là nghệ nhân cuối cùng còn lưu giữ nghề truyền thống đã mai một ở xứ Kinh Bắc.

Ngôi nhà của ông Phùng Đình Giáp những ngày này náo nức tiếng người vào ra. Càng  gần đến Tết Trung thu, vợ chồng ông Giáp lại càng tất bật với từng bộ phỗng và đón tiếp nhiều du khách gần xa đến thăm.

Phỗng đất từng là món đồ chơi không thể thiếu mỗi dịp Trung thu của trẻ em xứ Kinh Bắc. Trong mâm cỗ trông trăng, ngoài bánh kẹo, hoa quả và đèn ông sao trang trí thì luôn có một bộ phỗng đất làng Hồ. Đơn giản, mộc mạc nhưng bộ phỗng ấy từng khiến bao thế hệ lưu luyến chính bởi những ý nghĩa mà từng nhân vật mang theo.

Bộ phỗng đất bao gồm 5 nhân vật có sự liên kết với nhau: con rùa gắn với biển cả và là biểu tượng thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người dân đất Việt; con chim gắn với bầu trời, tượng trưng cho khát vọng hòa bình; người già và em bé tượng trưng cho sự tiếp nối thế hệ và giữ gìn giá trị truyền thống, còn ông phỗng hình Phật thường được đặt ở giữa có ý nghĩa tâm linh, giáo dục các thế hệ sống hướng thiện.

Lời dạy về cách đối nhân xử thế, về khát vọng của dân tộc được cha ông ta gửi gắm khéo léo qua bộ phỗng. Chính vì thế, nó không chỉ là món đồ chơi quen thuộc của trẻ con ngày xưa mà còn mang giá trị truyền thống, thể hiện hồn cốt của dân tộc.

Trải qua thời gian, ông Phùng Đình Giáp cũng không biết nghề làm phỗng đất đã có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Ông Giáp chỉ nhớ rằng, ngày xưa cứ đến rằm tháng 8, mọi gia đình đều tập trung làm phỗng đất rồi mang ra chợ bán. Trẻ con trong làng háo hức có được bộ phỗng trên tay, chạy quanh xóm làng nô đùa.

Thế nhưng, nghề làm phỗng dần bị mai một bởi theo ông Giáp chia sẻ: “Bộ phỗng này chỉ phục vụ Tết Trung thu mỗi năm 1 lần, ngoài dịp này, người dân phải đi làm nghề khác chứ không dựa vào phỗng đất để kiếm sống được”. Thiếu người làm và sự xuất hiện tràn lan của đồ chơi hiện đại đã khiến phỗng đất không còn phổ biến nữa.

Dẫu biết điều đó, nghệ nhân Phùng Đình Giáp vẫn tâm niệm giữ nghề bởi với ông giữ phỗng đất cũng chính là giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Hơn 60 qua, bằng tài năng, sự nhiệt huyết và tình yêu nghề, hàng nghìn bộ phỗng được đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân tạo nên. Tất cả đã giữ lại cho thế hệ sau biết một mẩu ký ức nhỏ về tết Trung thu xưa.

Ngồi giữa sân nhà, ông Phùng Đình Giáp với bàn tay thoăn thoắt đang tạo hình cho từng nhân vật trong bộ phỗng. Sự thuần thục ấy được mài dũa theo năm tháng mà không phải học qua bất kỳ một trường lớp nào.

Bắt đầu nặn phỗng đất từ năm 8 tuổi cho đến tận bây giờ, mọi công đoạn đều được ông Giáp thuộc nằm lòng. Để làm được bộ phỗng đất phải trải qua rất nhiều công đoạn mà trước tiên là tìm đất thó. Loại đất này phải đào sâu xuống từ 2,5 – 3m và chỉ có khoảng 20 – 30cm. Đất phải đạt độ mịn, sạch thì mới dùng được.

Đất thó ở mỗi vùng sẽ có màu khác nhau. Ngày xưa, các gia đình lấy đất thó khi đào giếng khơi. Thế nhưng, bây giờ ít nhà đào giếng, ông Giáp phải lấy đất thó ở ngoài đồng, đầm sen, đầm ao cá. Đất thó được ông lấy tích lũy từ năm nay sang năm khác. Sau khi mang đất về nhà phải tiến hành phơi khô ngay vì nếu để đất thó gặp mưa, nước mưa ngấm vào sẽ khiến đất mất chất. Ông Giáp cho biết: “Càng phơi nhanh bao nhiêu thì nhựa của đất thó càng tốt bấy nhiêu”, sau đó, ông sẽ mang cất đi, đến dịp mới bỏ ra dùng.

Tiếp đó, đất thó sẽ được ông cho vào cối giã thật mịn như bột mì, rồi trộn với giấy bản làm tranh hoặc giấy bìa đã được ngâm trong nước 7 ngày. Đặc biệt, khi được hỏi về tỷ lệ pha trộn đất thó và giấy bìa, ông Giáp tâm sự:  “Tôi làm không theo một tỷ lệ hay công thức nào cả, từ bàn tay truyền đến khối óc, qua kinh nghiệm mà làm nên”.  Hỗn hợp này được ông Giáp dùng tay bóp thật mịn và lấy chày đập liên tục. Với kinh nghiệm của một nghệ nhân lành nghề, ông Giáp cho hay: “Phải đập đến khi nào lấy viên đất đặt lên lòng bàn tay, nó không dây bột ra bàn tay thì mới đạt chuẩn”.

Dưới bàn tay tài hoa, nhiều tượng phỗng được ông Giáp nặn thành hình với nhiều hoa văn tinh xảo. Sau đó, phỗng đất được đem ra phơi dưới ánh nắng mặt trời, không nung qua lửa và càng khô, càng chắc, càng bền bấy nhiêu. Ông Giáp vuốt nắn tỉ mẩn từng góc cạnh để đường nét hài hòa, không tạo góc cạnh và mài nhẵn bóng. Sau đó, ông phủ qua lớp hồ điệp trắng, vẽ vài màu cơ bản: trắng, xanh, vàng, đỏ  rồi quang lên một lớp màu nữa để đảm bảo màu bền hơn.

Hàng trăm nhân vật tượng là hàng trăm đường nét thể hiện khác nhau, ông Giáp bày tỏ: “Cũng là vẫy đuôi chim bồ câu nhưng con hôm qua tôi làm chắc chắn sẽ khác con hôm nay làm, mỗi con lại mang dáng dấp và cái hồn khác nhau. Điều quan trọng là các tượng phỗng tôi làm phải luôn giữ nét mộc mạc, giản dị của làng quê Việt Nam”.

Bên cạnh bộ phỗng được ông Phùng Đình Giáp miệt mài làm mỗi dịp Tết Trung thu đến, thường ngày, ông Giáp cũng sáng tạo thêm những mẫu tượng mới. Được biết, ông đã làm trọn bộ 12 con giáp và năm Quý Mão 2023, ông Giáp đã tạo ra bộ gạt tàn con mèo, bộ tượng mèo vờn chuột. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ông Giáp cũng khéo léo làm theo mẫu mà khách đặt như bộ chim uyên ương, hoa sen, con voi, con ngựa,…

Ngày còn đi học, khi được cô giáo giao bài tập thủ công, ông Giáp đã mạnh dạn nặn một chú thỏ bằng đất, quét rồi trắng rồi mang đến lớp chấm điểm. Vì biết rằng, mình không làm đúng theo yêu cầu của cô nên cậu học trò nhỏ cảm thấy vô cùng lo lắng. Nhưng cô giáo không những không trách móc mà còn động viên và chấm 10 điểm. Đó là sự khích lệ tinh thần to lớn để ông Giáp theo nghề từ đó đến bây giờ.

Mỗi mùa trông trăng, nỗi trăn trở về việc giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa của phỗng đất lại càng thôi thúc ông đưa món đồ chơi dân gian đến gần hơn với các cháu thiếu nhi.

Ông Phùng Đình Giáp vui mừng chia sẻ: “Cứ Tết trung thu tôi lại bày bộ phỗng ra làm, các cháu trong nhà thích thú lắm, các cháu trong thôn xóm cũng đến xem. Tôi cũng hướng dẫn các cháu làm cùng để biết nghề”. Giờ đây, khắp thôn xóm, ai ai cũng biết đến nghệ nhân Phùng Đình Giáp.

Gia đình ông Giáp cũng từng đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài từ Anh, Pháp,… đến thăm và nhờ ông hướng dẫn làm trực tiếp. Đó là niềm tự hào của cả ông và gia đình khi nét đẹp văn hóa của người Việt được bạn bè quốc tế biết đến.

Dẫu đã có tuổi nhưng mỗi dịp Trung thu đến, khi được mời đi giới thiệu về phỗng đất ở các tỉnh trên cả nước, ông Giáp luôn sẵn sàng. Từ năm 2017 đến nay, ông Giáp luôn được mời đến các buổi workshop, triển lãm tại phố cổ Hà Nội, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam để biểu diễn. Năm 2020, ông Giáp đạt giải Khuyến khích khi tham gia cuộc thi về đồ thủ công mỹ nghệ toàn quốc với tác phẩm phỗng đất.

Được mọi người biết đến và yêu quý món đồ chơi dân gian này, ông Giáp càng vững tin về con đường mình đang theo đuổi. Giữ hồn phỗng đất Kinh Bắc vừa là cách níu giữ lại nét ký ức đẹp đẽ của những mùa trông trăng xưa, vừa lan truyền nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến thế hệ sau.

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *